Sạt lở tiếp tục xảy ra gây thiệt hại tài sản người dân
Sạt lở xảy ra đã gây thiệt hại về tài sản của người dân. Các địa phương triển khai thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ để xử lý, gia cố tạm thời nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra
Ông Bùi Văn Thắm – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre – cho biết, mới đây trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam đã xảy ra vụ sạt lở làm sập hoàn toàn một ngôi nhà, may mắn không thiệt hại về con người do chủ nhà đi làm ăn xa tại TP Hồ Chí Minh. Hiện, cơ quan chức năng đang liên hệ với chủ nhà để trao đổi giải pháp khắc phục.
Trước đó trong tháng 5.2024, trên tuyến đê bao sông Vàm Cỏ Tây (thuộc địa bàn xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã xảy ra sạt lở với chiều dài khoảng 260m, trong khu vực sạt lở có 2 hộ dân, với tổng cộng 9 nhân khẩu.
Theo UBND huyện Thủ Thừa, nguyên nhân xảy ra sạt lở trên là do đoạn đê nằm trong đoạn sông cong, lõm. Ngoài ra, các phương tiện đường thủy có tải trọng lớn lưu thông qua lại nhiều, kết hợp với dòng nước chảy xiết làm cho đất dưới mái sông bị xói mòn cuốn trôi, tạo thành hố sâu, hở hàm ếch. Đồng thời, mùa khô hạn 2023-2024 kéo dài làm cho đất bờ sông, đê bao khô cằn mất độ kết dính. Hiện nay, bắt đầu vào mùa mưa với lượng mưa rất lớn làm rửa trôi, xói mòn đê, từ những nguyên nhân trên đã gay sạt lở nghiêm trọng và ngày càng có chiều hướng gia tăng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre Bùi Văn Thắm cho hay, trong khoảng 10 năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nhanh hơn gây mất đất sản xuất… ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Theo kết quả thống kê, toàn tỉnh có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài khoảng 134km.
Trước diễn biến tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển nêu trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre đã tăng cường chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức theo dõi, chặt chẽ diễn biến sạt lở. Ngoài ra, cũng thường xuyên thông tin, cảnh báo các khu vực đã, đang và có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, triển khai tốt phương châm 4 tại chỗ để kịp thời huy động lực lượng, phương tiện, vật tư… xử lý, gia cố tạm thời nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra.
“Công tác phòng, chống khắc phục sạt lở trên địa bàn vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Theo đó, hiện tại số điểm sạt lở bờ sông, bờ biển hầu như ít phát sinh mới, tuy nhiên, mức độ sạt lở ở nhiều điểm có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn (sạt lở sâu hơn vào trong đất liền, chiều dài sạt lở tăng…). Ngoài ra, kinh phí đầu tư công trình khắc phục sạt lở rất lớn, trong khi đó nguồn lực của địa phương còn khó khăn nên chưa xử lý hết các khu vực bờ sông, bờ biển bị ảnh hưởng sạt lở.
Bên cạnh đó, về giải pháp kỹ thuật xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển rất phức tạp, cần có sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học nghiên cứu, đưa ra giải pháp để xử phù hợp, hiệu quả đối với từng vị trí, khu vực sạt lở”, ông Thắm cho hay.
PGS. TS Lê Anh Tuấn – Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do lượng cát, phù sa từ thượng nguồn đổ về vùng ĐBSCL ngày càng giảm. Từ đó, làm cho đặc điểm dòng chảy trở nên mạnh hơn và gây ra hiện tượng nước “đói” gây sạt lở.
Ngoài ra, do tình trạng khai thác cát nhiều tại vùng ĐBSCL để xây dựng, giao thông, san lấp và các hoạt động khác. Một khi dòng sông bị khai thác quá nhiều thì dòng chảy thay đổi và tốc độ dòng chảy cũng tăng lên do đó nguy cơ sạt lở gia tăng lên. Đồng thời, còn một số nguyên nhân khác là sự gia tăng của các công trình dọc bờ sông,…
“Nguyên nhân chính là do suy giảm lượng phù sa và khai thác cát ở khu vực ĐBSCL nên gây sạt lở nhiều hơn. Bên cạnh đó, còn do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng… và tình trạng thiếu nước ngọt nên người dân có khuynh hướng khai thác nước ngầm nhiều hơn nên làm cho vùng này sụt, lún nhiều hơn dẫn đến tiếp tay cho sạt lở, mất đất ở vùng ĐBSCL”, PGS. TS Lê Anh Tuấn nói.