Ngoài chợ

Chợ đầu mối trái cây xây xong rồi bỏ hoang ở Bến Tre

Chợ đầu mối trái cây Sơn Định (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) được xây dựng xong nhưng đến nay bỏ hoang vì không có tiểu thương nào thuê mướn để kinh doanh.

Chợ đầu mối trái cây xây xong rồi bỏ hoang ở Bến Tre
Chợ đầu mối trái cây Sơn Định (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Ảnh: Thành Nhân

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, chợ đầu mối trái cây Sơn Định (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) đã hoàn thành nhưng không có tiểu thương nào thuê mướn để kinh doanh trong khu vực chợ này. Ngoài ra, một số hạng mục tại trong khu chợ trên đang có dấu hiệu xuống cấp.

Một số vị trí trong chợ đầu mối trái cây Sơn Định bị xuống cấp. Ảnh: Thành Nhân
Một số vị trí trong chợ đầu mối trái cây Sơn Định bị xuống cấp. Ảnh: Thành Nhân

Bà Phạm Thị Lệ (xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết, trước đây, mỗi năm gia đình bà thu lợi từ vườn cây ăn trái hàng trăm triệu đồng. Nhưng từ khi bị thu hồi đất để làm chợ thì bà đã không còn canh tác nông nghiệp nữa, chỉ còn duy nhất cái nền nhà để ở.

“Lúc đó địa phương có nói là thu hồi đất để xây chợ, dù tôi không đồng ý nhưng buộc phải giao đất. Tưởng xây dựng chợ xong thì sẽ hoạt động, đâu ngờ bỏ hoang cho đến ngày nay”, bà Lệ bộc bạch.

Chợ đầu mối trái cây Sơn Định (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) hoàn thành nhưng hiện nay đang bỏ hoang. Ảnh: Thành Nhân
Chợ đầu mối trái cây Sơn Định (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) hoàn thành nhưng hiện đang bỏ hoang vì không có tiểu thương nào thuê mướn để kinh doanh. Ảnh: Thành Nhân

Ông Phạm Anh Linh – Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách – cho hay: Trước đây, khi xây dựng chợ đầu mối trái cây Sơn Định thì phù hợp bởi chợ này có một mặt giáp sông Tiền. Khi đó, tập kết hàng hóa tại khu đất làm chợ rồi vận chuyển xuống tàu, ghe. Sau đó, di chuyển sang xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) rồi bốc hàng hóa lên xe tải.

Khi Quốc lộ 57 được xây dựng mở rộng và các cầu trên tuyến Quốc lộ này được bê tông hóa, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực nông sản trên địa bàn đã xây dựng các vựa ven Quốc lộ 57 nên không có tiểu thương nào thuê mặt bằng ở chợ trên do điều kiện vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy không còn phù hợp. Từ đó, chợ đầu mối trái cây Sơn Định bỏ không.

Theo ông Linh, chợ đầu mối trái cây Sơn Định được tỉnh giao về cho địa phương quản lý. Hiện nay, huyện đang tìm các giải pháp để khai thác chợ trên tránh gây lãng phí.

Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách cũng cho biết thêm, UBND huyện Chợ Lách đã có kiến nghị về tỉnh dành nguồn vốn đầu tư tuyến đường giao thông kết nối từ Quốc lộ 57 vào chợ đầu mối trái cây Sơn Định. Tuy nhiên, do nguồn vốn có hạn nên tỉnh chưa đầu tư. Bằng nguồn vốn nội lực của huyện, địa phương đã đầu tư tuyến đường vào chợ đầu mối trái cây Sơn Định nhưng chỉ đủ đáp ứng cho xe ô tô tải có trọng tải nhỏ vào được, còn xe lớn như container hay các loại ô tô có trọng tải lớn không vào được.

Cũng theo ông Linh, qua rà soát khu đất tại chợ đầu mối trái cây Sơn Định hiện còn 2 thửa đất của 2 hộ dân nằm sát chợ. Địa phương đang thực hiện các thủ tục để thu hồi đất bằng hình thức đất đổi đất đối với 2 hộ dân trên. Sau đó giải phóng mặt bằng sạch, huyện mới thực hiện chuyển đổi công năng hoặc cho doanh nghiệp thuê lại để tránh lãng phí đất công và nguồn vốn đầu tư.

Chợ đầu mối trái cây Sơn Định (huyện Chợ Lách, Bến Tre) được xây dựng trên diện tích hơn 1,1ha nằm ven sông Tiền, với tổng kinh phí đầu tư hơn 12,6 tỉ đồng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre làm chủ đầu tư.

theo Lao