– Gần đây, do mật độ phương tiện lưu thông tăng cao nên khu vực Quốc lộ 60 địa bàn tỉnh Tiền Giang- Bến Tre và cầu Rạch Miễu thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông nghiêm trọng nhất là vào buổi chiều các ngày thứ 7, chủ nhật, ngày lễ.
Theo thống kê, mỗi ngày, đêm có trên dưới 20.000 ô tô các loại qua lại cây cầu này dẫn đến tình trạng quá tải. Các ngành chức năng và công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu đã có nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa khắc phục được tình trạng kẹt xe, gây bức xúc đối với người tham gia giao thông.
Công trình cầu Rạch Miễu bắc ngang sông Tiền nối liền tỉnh Tiền Giang – Bến Tre
Trong khi đó, bến phà Rạch Miễu tạm thì vắng khách, mỗi năm, tỉnh Bến Tre phải bù lỗ gần 10 tỷ đồng để duy trì bến phà này. Ngày 22/8, tại cuộc họp báo, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho biết, có khả năng cuối năm nay trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu sẽ dừng thu phí sau hơn 15 năm hoạt động. Riêng phà Rạch Miễu tạm đến khi cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành sẽ ngưng hoạt động, bến phà địa phận tỉnh Tiền Giang sẽ bàn giao lại cho địa phương này; các chiếc phà sẽ đưa đến hoạt động tại các bến phà khác.
Thường xuyên ùn ứ giao thông khu vực gần cầu Rạch Miễu
Trao đổi với phóng viên bà Trần Thị Kim Uyên, Giám đốc công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu cho biết, chưa có thông tin chính xác thời gian nào dừng thu phí dự án này và trạm thu phí BOT này đang giai đoạn “quyết toán”, căn cứ vào thực tế quyết toán mới xác định thời gian dừng thu phí.
Trên Quốc lộ 60 địa bàn tỉnh Bến Tre cũng thường xuyên kẹt xe do cầu Rạch Miễu quá tải.
Hiện cầu Rạch Miễu đã hoàn thành công tác quan trắc, kiểm định nhưng chưa có kết quả.
(ANTV) – Công an thành phố Thanh Hóa cho biết, đã triệt phá đường dây sản xuất và tiêu thụ tân dược giả với qui mô lớn trên phạm vi toàn quốc. Lực lượng phá án đã bắt giữ 7 đối tượng để điều tra hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh.
7 đối tượng bị Công an thành phố Thanh Hóa bắt trú tại các tỉnh Đắk Nông, Nam Định, Hà Nam, thành phố Cần Thơ và Thành phố Hà Nội. Lực lượng phá án đã khám xét khẩn cấp 5 địa điểm là nơi sản xuất, cất giấu hàng hóa, nơi làm việc của các đối tượng trên địa bàn thành phố Hà Nội, thành phố Cần Thơ và tỉnh Bến Tre.
Qua khám xét, lực lượng Công an đã thu giữ các sản phẩm thuốc tân dược giả chủ yếu là thuốc kháng sinh, thuốc phòng và điều trị bệnh cho người cùng nhiều máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất tân dược giả như: máy ép, khuôn ép vỉ, băng keo dán, máy in, tem nhãn.
Đối tượng cầm đầu được xác định là Nguyễn Văn Hưng, đã câu kết với Trương Quốc Phong Dinh thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ y tế Tích Hợp, đăng ký trụ sở tại thành phố Bến Tre. Hưng giao cho Dinh trực tiếp tìm nguồn mua máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, tá dược, in bao bì để sản xuất thuốc tân dược giả.
Lúc 21 giờ 30 phút ngày 11/8/2024, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Bình Đại đã kiểm tra một nhà hang trên địa bàn, bắt quả tang một nhóm đối tượng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Tại phòng Vip 02, Công ty TNHH Năm Nhi Bình Đại (Nhà hàng Năm Nhi), lực lượng Công an huyện bắt quả tang 05 đối tượng (3 nam, 2 nữ) đang có hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý. Tại hiện trường phát hiện dụng cụ sử dụng ma túy và ma túy dạng thuốc lắc và Ketamine. Test nhanh, 5/5 đối tường đều dương tính với ma tuý.
Lực lượng Công an huyện lập biên bản chủ quán và các đối tượng, tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Thanh Trúc
Ảnh: Các đối tượng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy bị bắt quả tang (CTV)
Vào lúc 06 giờ 00 phút ngày 11/8/2024, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế và ma túy Công an huyện Bình Đại tiến hành bắt người đang bị truy nã đối với Trần Minh Tài, sinh ngày 01/01/1999, nơi thường trú ấp An Hiệp, xã Định An, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang về tội tàng trữ trái phép chất ma túy.
Trước đó, vào ngày 16.01.2024, Trần Minh Tài bị Công an huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang bắt quả tang về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Sau khi được cho gia đình bảo lãnh, Tài đã bỏ trốn khỏi địa phương và đến huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre để đi cào biển và bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang ra Quyết định truy nã.
Qua công tác nắm tình hình Công an huyện Bình Đại đã phát hiện, bắt giữ khi Tài vừa vào bờ và bàn giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Gò Quao./.
(ABO) Chiều 6-8, Công ty TNHH BOT Cầu Rạch Miễu (đơn vị khai thác cầu Rạch Miễu) đã phối hợp các ngành chức năng 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre họp bàn phương án bảo đảm an toàn giao thông trong thời gian kiểm định cầu.
Cầu Rạch Miễu (trên tuyến Quốc lộ 60) nối 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre được nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ năm 2009 đến nay. Sau 15 năm đưa vào sử dụng, khai thác đã được các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền quan tâm chỉ đạo kiểm tra công tác bảo trì thường xuyên, phát huy được hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội.
Công ty TNHH BOT Cầu Rạch Miễu báo cáo việc khai thác và sự cần thiết kiểm định cầu.
Cùng với sự phát triển của xã hội kéo theo mật độ phương tiện lưu thông từ các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Bến Tre theo Quốc lộ 60 qua cầu về hướng TP. Hồ Chí Minh gia tăng dẫn đến quá tải. Thời gian qua, các ngành chức năng 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đã có nhiều giải pháp để hạn chế ùn ứ giao thông tại khu vực cầu Rạch Miễu.
Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn xảy ra và qua thời gian dài khai thác cầu xuất hiện những hư hỏng, cần thiết phải tiến hành sửa chữa tổng thể để các hư hỏng không tiếp tục phát triển làm suy giảm tuổi thọ công trình, ảnh hưởng đến vận hành, khai thác của cầu và an toàn giao thông.
Công tác thử tải cầu Rạch Miễu sẽ thực hiện từ ngày 13 đến ngày 15-8-2024. Ảnh: HUỲNH THỨC
Qua đó các ngành đã thống nhất thực hiện đầy đủ biện pháp bảo đảm an toàn giao thông theo văn bản thoả thuận của Khu Quản lý đường bộ IV; đơn vị thi công phối hợp lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra Sở Giao thông vận tải 2 tỉnh bố trí người điều tiết giao thông xuyên suốt trong quá trình thi công, bố trí đèn chớp cảnh báo, đèn chiếu sáng bảo đảm an toàn giao thông vào buổi tối.
Đối với công tác thử tải cầu sẽ thực hiện từ 22 giờ đêm hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau các ngày 13 đến ngày 15-8-2024. Trong khoảng thời gian thử tải sẽ cấm xe ô tô qua cầu, mỗi lần thử tải kéo dài 30 phút (xe 2 bánh và xe cứu thương được phép lưu thông); sau mỗi lần thử tải sẽ điều tiết phương tiện ô tô lưu thông qua cầu. Sau khi kết thúc quá trình thử tải cầu, đơn vị kiểm định sẽ thu dọn dẹp hiện trường hoàn trả lại hiện trạng để bảo đảm an toàn giao thông.
Trung tá Lê Anh Tuấn, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tiền Giang đề xuất phương án điều tiết phân luồng giao thông.
Ban An toàn giao thông 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang hỗ trợ thông báo thời gian cấm lưu thông để kiểm định cầu Rạch Miễu trên các phương tiện thông tin đại chúng để các phương tiện, người dân tham gia giao thông biết kế hoạch thử tải cầu lựa chọn khung giờ di chuyển qua cầu Rạch Miễu phù hợp. Đồng thời, Ban An toàn giao thông tỉnh Bến Tre thông báo đến Bến phà tạm Rạch Miễu có kế hoạch để phối hợp điều tiết phương tiện giao thông đi qua bến phà tạm trong thời gian kiểm định cầu.
Từ 1/8, cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ không được giao dịch quá 10 lần một năm và vượt 300 tỷ đồng mỗi hợp đồng, theo Nghị định 96.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 96 có hiệu lực từ ngày 1/8, quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản. Theo đó, cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ không thuộc trường hợp phải lập dự án đầu tư. Số lần giao dịch bị giới hạn dưới 10 lần một năm và mỗi hợp đồng không quá 300 tỷ đồng. Trường hợp giao dịch một lần trong năm thì không tính giá trị.
Theo Luật Kinh doanh bất động sản 2023, cá nhân kinh doanh bất quy mô nhỏ không phải thành lập doanh nghiệp, nhưng phải kê khai nộp thuế. Tương tự, tổ chức bán, cho thuê nhà, công trình xây dựng hay một phần diện tích sàn xây dựng không nhằm để kinh doanh cũng bị giới hạn số lần mua bán. Họ cũng phải kê khai nộp thuế.
Như vậy, so với quy định cũ không nêu điều kiện cá nhân kinh doanh địa ốc quy mô nhỏ, quy định mới đã giới hạn cụ thể số lần giao dịch và giá trị hợp đồng trường hợp này.
Giai đoạn 2020-2022, thị trường địa ốc chứng kiến nhiều đợt sốt giá bất thường, nhất là đất nền vùng ven. Nhiều khu vực huyện ven Hà Nội hay các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên… tăng cục bộ 40-50% so với trước dịch Covid-19. Đất tăng giá tại nhiều địa phương, kéo theo nhiều nhóm nhà đầu tư đổ xô đi đấu giá, đầu cơ.
Theo nhiều chuyên gia, việc xác định rõ tiêu chí cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ có thể góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ, mua đi bán lại bất động sản nhiều lần nhằm “lướt sóng” thị trường.
Quy định mới cũng siết chặt điều kiện hành nghề môi giới địa ốc. Theo đó, từ ngày 1/8, môi giới phải có chứng chỉ hành nghề và hoạt động trong sàn giao dịch, công ty môi giới bất động sản hay công ty tư vấn, quản lý địa ốc. Điều này đồng nghĩa cá nhân không được hành nghề môi giới tự do như trước đây.
Sáng 31/7/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bến tre đã tạm giữ để điều tra đối với Trần Văn Hiệp, sinh năm 1995, nơi đăng ký thường trú xã Ba Trinh, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng về hành vi giết người. Tối 23/7/2024, tại ấp Phú Hữu, xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre xảy ra vụ án giết người; bị hại là NTT, sinh năm 1997, nơi đăng ký thường trú thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh chủ trì phối hợp Công an các đơn vị, địa phương nhanh chóng xác minh, điều tra truy tìm thủ phạm. Kết quả, đến trưa 30/7/2024, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp Công an các đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh đã điều tra làm rõ được thủ phạm trong vụ án là Trần Văn Hiệp, đang lẩn trốn tại xã Phước Thạnh, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang nên đã tiến hành bắt giữ. Bước đầu làm việc, Trần Văn Hiệp khai nhận do NTT vay tiền nhưng không trả, tối 23/7/2024, phát hiện NTT đang ở tại nhà nghỉ ở ấp Phú Hữu, xã Hữu Định, huyện Châu Thành nên Hiệp từ TP.Mỹ Tho mang theo hung khí tìm đến chém T tử vong, sau đó tiêu hủy vật chứng rồi bỏ trốn. Hiện cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ án./. *Thảo Giang Ảnh: đối tượng Hiệp
Chiều 23/7, Cơ quan CSĐT Công an huyện Gò Dầu (Tây Ninh) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam Nguyễn Văn Thanh (SN 1996, ngụ Bến Tre) để điều tra, làm rõ về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng.
Tài xế Thanh.
Tại cơ quan Công an, Thanh bước đầu khai nhận: Cách đây hơn 1 tuần dã điều khiển xe tải BKS: 64H-009.00 lưu thông trên tuyến đường Tỉnh lộ 782, hướng từ xã Bàu Đồn về xã Phước Đông (huyện Gò Dầu).
Đến đoạn thuộc ấp Phước Đức B (xã Phước Đông), Thanh điều khiển xe tải vượt bên phải ô tô phía trước thì xảy ra va chạm với xe máy BKS: 51F8-8877 do anh Thân Văn Phóng (SN 1983, ngụ Bắc Giang) điều khiển chở cháu V.H.S. (SN 2013) lưu thông cùng chiều phía trước.
Do mất lái, xe máy của anh Phóng tiếp tục va chạm với xe máy BKS: 84V1-2134 do Đỗ Nhựt Quang (SN 2001, ngụ Trà Vinh) điều khiển chở Đỗ Văn Gọn (SN 1989) lưu thông cùng chiều phía trước. Cú va chạm mạnh khiến cháu S. ngã xuống đường bị xe tải cán qua người tử vong tại chỗ.
Nguyên nhân ban đầu xác định, do Thanh điều khiển xe tải vượt ẩu gây tai nạn.
Cây cầu thứ 3 nối hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang qua sông Tiền, sau Rạch Miễu và Rạch Miễu 2, theo đề xuất sẽ do tỉnh Bến Tre làm chủ đầu tư nhằm kết nối thông suốt tuyến đường bộ ven biển miền Tây Nam Bộ qua các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh…
Tuyến đường bộ ven biển nối Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh trong toàn tuyến hành lang ven biển miền Tây Nam Bộ. Nguồn: Sở GTVT TP.HCM.
Tỉnh Bến Tre đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Cửa Đại thuộc tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh hai Bến Tre và Tiền Giang.
Theo báo cáo đề xuất, dự án cầu Cửa Đại sẽ do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre làm cơ quan chủ quản đầu tư, có tổng chiều dài dự án khoảng 8,9 km với quy mô đường cấp III đồng bằng, cầu bê tông cốt thép rộng 22,5 m. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4.750 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách trung ương. Đây là cầu thứ 3 nối Tiền Giang với Bến Tre, sau cầu Rạch Miễu (2009) và cầu Rạch Miễu 2 (đang xây dựng), và nằm trong tổng thể dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển miền Tây Nam Bộ, đoạn qua 3 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh.
Cũng trong dịp này, tỉnh Bến Tre đã có tờ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hoàn chỉnh đề xuất dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển nói trên với tổng mức đầu tư dự kiến 7.905 tỷ đồng. Dự án qua 3 tỉnh có chiều dài 53 km; trong đó đoạn đi qua địa phận Bến Tre khoảng 25,2 km, có điểm đầu tại Km21+800 tại điểm cuối cầu Ba Lai 8 thuộc huyện Ba Tri (kết nối với dự án cầu Ba lai 8 và dự án cầu Cửa Đại liên tỉnh Bến Tre – Tiền Giang) và điểm cuối tại Km47 tại điểm đầu cầu Cổ Chiên 2 thuộc huyện Thạnh Phú (kết nối với dự án cầu Cổ Chiên 2 liên tỉnh Bến Tre – Trà Vinh).
Dự án tuyến đường bộ ven biển miền Tây Nam Bộ có tổng chiều dài 740 km, từ TP.HCM đến Hà Tiên, đi qua địa bàn các địa phương TP.HCM, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 về Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 28.500 tỷ đồng, gồm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2021 – 2025 và giai đoạn 2 sau năm 2025.
Theo đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre tại tờ trình gửi liên bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tài chính, tuyến đường bộ ven biển đi qua tỉnh Bến Tre có quy mô đường cấp III đồng bằng; phần cầu (cầu Hàm Luông và các cầu nhỏ) bê tông cốt thép rộng 22,5 m; tổng mức đầu tư khoảng 7.905 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ khoản vay hỗ trợ bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu (còn gọi là Chương trình DPO) và ngân sách tỉnh đối ứng.
Theo ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, tuyến đường bộ ven biển khi hình thành đóng vai trò rất quan trọng cho tỉnh trong phát triển kinh tế ven biển, phát triển hệ thống cảng và giao thông vận tải đường biển, gắn kết với các cảng biển của vùng; đồng thời góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng; phát triển các đô thị và du lịch biển. Trong tổng thể, công trình đường bộ ven biển Miền Tây góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng liên vùng, tăng cường khả năng vận chuyển, lưu thông hàng hóa khu vực ven biển, mở ra khả năng hội nhập về kinh tế trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.